Trong triết học Descartes Conatus

Xem thêm: René Descartes
René Descartes

Trong nửa đầu thế kỷ XVII, René Descartes (1596–1650) đã phát triển một khái niệm duy vật hơn, hiện đại hơn về conatus. Ông mô tả khái niệm này là "công suất hoặc thiên hướng chuyển động của vật, thể hiện quyền năng Chúa Trời".[21] Trước đó, tuy thuật ngữ conatus thời cổ đại được sử dụng với nghĩa nhân hoá như tự nguyện "nỗ lực" hoặc "đấu tranh" để đạt những mục đích nhất định, và các nhà triết học kinh viện thời trung cổ phát triển khái niệm này theo hướng một thuộc tính nội tại bí ẩn, cách sử dụng conatus của Descartes có vẻ thiên về ý nghĩa cơ giới luận.[22] Cụ thể hơn, trái ngược với Buridan, với Descartes, chuyển động và đứng yên không phải hai tính trạng của hai vật khác nhau, mà là hai trạng thái của cùng một vật. Dù khái niệm conatus của Descartes không rõ ràng, người ta vẫn có thể nhận thấy một bước chuyển mình sơ khởi khỏi quan niệm cho rằng các ước muốn và ý định bắt nguồn từ tự nhiên cùng sự chuyển vận của nó, hướng tới một cái nhìn khoa học và hiện đại hơn.[23]

Descartes bác bỏ mục đích luận về thế giới vật chất - quan điểm thống trị ở phương Tây từ thời Aristotle. Ông không coi tâm trí là một phần của thế giới vật chất, và do đó không tuân theo các định luật cơ học nghiêm ngặt của tự nhiên. Mặt khác, chuyển động và đứng yên là các thuộc tính của sự tương tác giữa các vật chất, theo những định luật cơ học bất biến. Khi sáng tạo vũ trụ, Chúa chỉ sắp đặt chuyển động cho vạn vật, và không tác động gì thêm ngoài duy trì các quy tắc động lực trên đặc tính cơ học của vật. Do vậy, không hề tồn tại mục đích luận trong sự chuyển động của các vật vì toàn bộ quá trình này có thể quy về các va chạm do định luật quyết định và sự tái kết cấu liên tục của chúng. Conatus chỉ là thiên hướng di chuyển của vật khi chúng va chạm nhau. Chúa có lẽ đã sắp đặt chuyển động này, nhưng sau đó sẽ không thể kiến tạo hay phá hủy bất cứ trạng thái chuyển động hoặc đứng yên nào.[24]Descartes cho rằng có hai loại conatus: conatus a centro và conatus recendendi. Conatus a centro ("thiên hướng hướng tâm"), theo cách sử dụng của ông, là một lý thuyết về lực hấp dẫn; trái lại, conatus recendendi ("thiên hướng ly tâm") thể hiện lực ly tâm.[7] Những thiên hướng này không phải là đặc tính tự nhiên hay ý định vận động, cũng không phải thuộc tính hay "lực" cố hữu của sự vật, mà là đặc tính thống nhất ngoại vi của chính vũ trụ vật lý mà Chúa ban tặng.[25]

Khi phát triển Định luật Tự nhiên Thứ nhất của mình, Descartes cũng nêu ra khái niệm conatus se movendi ("conatus của sự tự bảo toàn").[26] Định luật này là sự tổng quát hoá nguyên lý quán tính, vốn được Galileo phát triển và chứng minh bằng thực nghiệm từ trước đó. Năm mươi năm sau khi Descartes qua đời, Isaac Newton chính thức hóa nguyên lý này thành Định luật I trong các định luật về chuyển động của ông. Định luật của Descartes: "Mỗi sự vật, trong phạm vi của nó, luôn được bảo toàn trạng thái, và một khi đã di chuyển, thì sẽ luôn tiếp tục di chuyển."[27]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Conatus http://dictionary.reference.com/browse/conatus http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/ http://www.bu.edu/wcp/Papers/Mode/ModePiet.htm http://www4.ncsu.edu/~dmjphi/Main/Papers/Hobbesian... http://plato.stanford.edu/entries/emotions-17th18t... http://plato.stanford.edu/entries/spinoza-psycholo... http://www.iep.utm.edu/s/spinoza.htm http://1libertaire.free.fr/DRabouinEntreDeleuzeFou... //doi.org/10.1016%2F0039-3681(80)90003-5 //doi.org/10.1080%2F000337999296328